Hướng dẫn mua đàn guitar cho người mới bắt đầu

Ngày này, mua môt cây đàn guitar là một điều khá dễ dàng bởi hầu hết các cửa hàng nhạc cụ đều bán loại đàn này. Tuy vậy, để mua được một cây đàn guitar ưng ý nhất, phù hợp với định hướng và phong cách chơi của mình, bạn cần phải tìm hiểu khá nhiều kiến thức liên quan đến đàn guitar. Dưới đây, chúng tôi sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm mua đàn guitar dành cho các bạn mới tập chơi.

Có 4 vấn đề chính mà bạn cần quan tâm:

  • Mục đích chơi và ngân sách
  • Cấu tạo và thiết kế
  • Phong cách và âm thanh
  • Sở thích cá nhân

1. Mục đích chơi và ngân sách

Trước khi bạn nghĩ đến các yếu tố như thương hiệu, thiết kế, dáng đàn,… hãy xem xét đến mục đích mà bạn sử dụng cây đàn guitar mà bạn dự định mua cũng như chi phí mà bạn sẽ bỏ ra cho cây đàn đó.

Kỹ năng chơi của bạn

Với những người mới bắt đầu tìm mua một nhạc cụ để học, họ thường không muốn bỏ ra quá nhiều tiền để mua một chiếc đàn guitar acoustic cao cấp. Nhiều người tìm đến những cây đàn guitar chất lượng kém, thậm chí là những cây đàn cũ, với mức giá chỉ vài trăm nghìn đồng. Điều này ảnh hưởng khá nhiều tới cảm giác chơi và khả năng cảm âm của người chơi và dễ gây chán nản. Nhưng nếu đầu tư nhiều tiền vào một cây đàn guitar cao cấp lại là điều mà không phải ai cũng làm được.

Ngày này, nhờ các kỹ thuật sản xuất hiện đại, rất nhiều hãng nổi tiếng trên thế giới (như Kapok, Tanglewood, Takamine, Fender,…) cho ra mắt các dòng đàn guitar acoustic với chất liệu gỗ tốt, âm thanh tuyệt vời, và mức giá từ thấp đến trung bình, phù hợp với nhu cầu của người mới tập chơi.

Khi bạn là người chơi có kinh nghiệm, muốn nâng cấp lên một cây đàn guitar tốt hơn thì bạn cần tìm hiểu thêm về sự khách biệt giữa các tone gỗ khác nhau, dáng đàn, bảng cộng hưởng, cùng cách yếu tố khác ảnh hưởng đến khả năng cộng hưởng âm thanh của đàn.

Mục đích chơi

Nếu bạn chơi với mục đích giải trí ở nhà, hoặc chỉ chơi tại các buổi sinh hoạt nhỏ, không cần đến ampli thì một cây đàn không có thiết bị điện tử sẽ là lựa chọn tốt hơn, tiết kiệm chi phí. Còn nếu bạn dự định chơi cùng một ban nhạc, hay biểu diễn trên sân khấu, bạn nên lựa chọn những cây đàn guitar acoustic-electric có các thiết bị điện tử như pickup hay tích hợp preamplifier (tiền khuếch đại). Các thiết bị này cho phép bạn kết nối với bộ khuếch đại hoặc các hệ thống âm thanh mà không làm thay đổi chất lượng âm thanh cũng như không hạn chế khả năng di chuyển khi chơi đàn. Khi không có nguồn điện, những cây đàn guitar này sẽ giống như một cây đàn guitar acoustic bình thường.

Cuối cùng, dù bạn chơi ở nhà hay chơi tại nhà hay biểu diễn trên sân khấu, độc tấu hay chơi với 1 ban nhạc, mới tập chơi hay nâng cấp, hãy đảm bảo rằng bạn đã xem xét những yêu cầu của bạn về cây đàn guitar và bạn có thể chi bao nhiêu tiền cho cây đàn đó.

2. Cấu tạo và thiết kế

Nếu bạn có những kiến thức cơ bản về cấu tạo và thiết kế của một cây đàn guitar acoustic, bạn sẽ thấy được những sự khác biệt đáng kể giúp bạn chọn được một cây đàn tốt nhất cho nhu cầu của bạn.

Cần đàn

Cần đàn là bộ phận nối giữa thân đàn với phần đầu đàn (headstock). Các phím đàn được gắn ở mặt trên của cần đàn, mặt sau được tạo hình để phù hợp với tay bấm phím của người chơi.

Cần đàn chứa một thanh giằng (truss rod) bằng kim loại ngăn không cho nó bị cong và xoắn do sức căng dây hay các yếu tố môi trường. Điều chỉnh thanh giằng có thể sửa chữa các vấn đề ngữ điệu, đem lại sự chính xác cho nhạc cụ. Thanh giằng này có thể được điều chỉnh hoặc ở phần đầu đàn, bên trong thân đàn, hoặc tại cần đàn.

Ngắn phím (fretboard hay fingerboard) nằm ở mặt trên của cần đàn, giữa các phím đàn, thường là những mảnh gỗ riêng biệt được gắn vào cần đàn. Các ngăn phím thường được làm từ gỗ rosewood hoặc ebony.

Phím đàn là các dải kim loại mỏng, được gắn vào gỗ, mỗi phím cách nhau nửa cung và tăng dần theo thang 12 âm, tạo ra những nơi để các nốt khác nhau được phát ra.

Phần đầu đàn nằm ở phía cuối cần đàn, đối diện với thân đàn. Nó được trang bị các khóa điều chỉnh, hay còn gọi là chốt điều chỉnh, bộ chỉnh. Lược đàn(còn gọi là phím đàn số 0) là một dải nhỏ nối giữa cần đàn và đầu đàn, được tạo rãnh dể dẫn dây lên phím đàn. Lược đàn thường được làm bằng nhựa, cũng có thể làm bằng xương, than chì hoặc các vật liệu khác.

Thân(thùng) đàn

Mặt trước của thùng đàn được gọi là soundboard(bảng cộng hưởng). Soundboard được hỗ trợ bởi thanh giằng bên trong, 2 bên hông và mặt sau, tạo thành một khoang rỗng. Phần thùng đàn được chia thành phần trên và phần dưới (phần dưới lớn hơn phần trên), ở giữa có 1 eo thắt lại.

Kích thước và dáng thùng đàn ảnh hưởng nhiều đến âm thanh và phong cách chơi. Vì vậy, khi bạn lựa chọn đàn guitar, bạn nên xem xét đến yếu tố này để chắc chắn rằng nó phù hợp với nhu cầu của bạn. Chúng tôi sẽ đề cập đến các dáng đàn ở phần bên dưới.

Lỗ thoát âm là nơi để âm thanh thoát ra ngoài tạo thành tiếng đàn, nó có dạng hình tròn nằm giữa mặt trên của thùng đàn guitar acoustic, ngang với vị trí eo thắt.

Dây đàn được gắn với thân đàn ở cầu ngựa đàn, được neo giữ bởi các chốt giữ dây. Dải mỏng bằng xương hoặc nhựa có chức năng giữ vững các dây đàn trên thùng đàn để dây đàn không bị thay đổi cao độ được gọi là ngựa đàn.

Hệ thống điện tử

Các thiết bị điện tử được tích hợp trên đàn acoustic để khuếch đại âm thanh sẽ rất tiện lợi cho các nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu. Các thiết bị này được đặt trong thân đàn, có thể chuyển các rung động ở soundboard thành tín hiệu điện tử. Các tín hiệu này có thể yếu, vì vậy hầu hết các cây đàn acoustic-electric đều sử dụng preamp để làm các tín hiệu này mạnh hơn.

Preamp thường được đặt ở bên hông, mặt hướng lên trên khi chơi đàn, bao gồm các núm điều chỉnh âm lượng và âm sắc.

3. Phong cách và âm thanh

Các cây đàn guitar acoustic có chung các yếu tố về thiết kế và cấu trúc cơ bản như đề cập đến ở trên. Nhưng bên cạnh đó, chúng cũng có những sự khác biệt ảnh hưởng đến âm thanh và phong cách chơi khác nhau, chẳng hạn như:

  • Dáng đàn
  • Mặt top
  • Chiều rộng và chiều dài cổ
  • Dây nylon hay dây thép
  • Chất liệu gỗ

Khi bạn hiểu rõ được các yếu tố này, bạn sẽ có thể dễ dàng hơn khi đưa ra quyết định tốt nhất về cây đàn guitar mà bạn đang tìm kiếm.

Dáng đàn

Có rất nhiều dáng đàn khác nhau và nhiều hãng đàn nổi tiếng cho ra mắt những dáng đàn đặc trưng riêng biệt. Các dáng đàn có những đặc trưng về âm thanh khác nhau nhưng nhìn chung, dáng đàn càng lớn thì bảng cộng hưởng (mặt trên của đàn) sẽ càng lớn và âm thanh sẽ càng sâu và to. Nhưng đôi khi dáng đàn lớn lại không tạo được cảm giác thoải mái cho người chơi. Vì vậy, một số kiểu dáng kết hợp giữa bảng cộng hưởng lớn với eo thắt hẹp để khắc phục điều này. Tóm lại, điều quan trọng là bạn cần chọn được cây đàn guitar có âm thanh mà bạn mong muốn cũng như cảm giác chơi thoải mái dù bạn ngồi hay đứng.

Thông số của mỗi dáng đàn cũng có sự khác biệt, tùy thuộc vào từng hãng sản xuất. Nhưng nhìn chung, các dàng đàn guitar acoustic phổ biến bao gồm:

  • Concert và Grand Concert
  • Auditorium và Grand Auditorium
  • Dreadnought
  • Jumbo
  • Travel và đàn guitar mini

Concert và Grand Concert

Dáng đàn Concert xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1854, với kích thước khá nhỏ gọn, chỉ khoảng 13 1/2 Inch ở phần dưới của thùng đàn, cho âm thanh sáng với âm trung mạnh mẽ. Kích thước nhỏ mang lại sự thoải mái cho người chơi, đặc biệt là với những người chơi còn nhỏ tuổi.

Dáng đàn Grand Concert sẽ có kích thước lớn hơn 1 chút, khoảng 14 đến 14-1/4 Inch ở phần dưới. Dáng đàn này cũng có dải âm trung tốt nhưng âm thanh mạnh mẽ hơn dáng Concert.

Dreadnought

Đây là một dáng đàn rất phổ biến, sở hữu bảng cộng hưởng lớn, vòng eo rộng và có 14 phím ở cần đàn. Dáng đàn Dreadnought được ra mắt lần đầu tiên vào năm 1916 và trở nên phổ biến kể từ đó. Dáng đàn này cho âm thanh mạnh mẽ, vì vậy nó được các nghệ sĩ guitar theo phong cách Bluegrass đặc biệt yêu thích.

Auditorium và Grand Auditorium 

Auditorium là dáng đàn Acoustic có kích thước trung bình, có phần dưới thùng đàn có kích thước tương đương với dáng Dreadnought, nhưng có phần eo thắt nhỏ hơn. Dáng đàn này có sự cân bằng về âm lượng, âm sắc và sự thoải mái khi chơi, vì vậy nó đang trở nên phổ biến trong vài thập kỷ gần đây.

Dáng Grand Auditorium có phần dưới của thùng đàn khá lớn, đôi khi còn lớn hơn dáng Dreadnought cổ điển, (có thể lên tới 16 inch), nhưng phần eo hẹp hơn, tạo thành hình dáng giống như chiếc đồng hồ cát đầy ấn tượng. Những cây đàn guitar dáng Grand Auditorium cho âm lượng lớn và âm sắc cân bằng hơn so với các dáng đàn nhỏ.

Jumbo

Đây là dáng đàn lớn, với âm thanh bùng nổ, và thường được mệnh danh là những cây đàn “cao bồi” tiêu chuẩn. Phần dưới thùng đàn có chiều rộng lên tới 17 inch giúp cho những cây đàn dáng Jumbo phát ra âm thanh lớn và cộng hưởng sâu sắc.

Travel và đàn guitar mini

Những người chơi nhỏ tuổi hay những người thường xuyên mang đàn guitar đi du lịch có thể xem xét đến những cây đàn kiểu dáng Travel hay những cây đàn guitar mini. Những cây đàn này được thiết kế để tạo sự thoải mái cho những người chơi nhỏ cũng như thuận tiện trong các chuyến du lịch. Mặc dù có kích thước nhỏ gọn nhưng các nhà sản xuất vẫn luôn cố gắng đảm bảo sản phẩm của mình vẫn đảm bảo được chất lượng và âm thanh.

Phần lớn những cây đàn mini sẽ có kiểu dáng giống với các dáng đàn tiêu chuẩn nhưng nhỏ hơn, có thể là 3/4, có từ 18 đến 20 phím đàn.

Cutaway

Hầu hết các dáng đàn guitar đều có những model có thiết kế cutaway ở phần trên để cho phép người chơi dễ dàng tiếp cận các phím đàn cao hơn trên cần đàn. Dáng cutaway cũng tăng tính thẩm mỹ cho các cây đàn guitar, và cũng ảnh hưởng đôi chút đến âm thanh của cây đàn, tuy nhiên không đáng kể.

Mặt trước

Mặt trước của đàn guitar ảnh hưởng lớn nhất tới chất lượng âm thanh của cây đàn. Âm thanh được tạo ra từ dây đàn sẽ truyền qua cầu ngựa đàn đến mặt trước và được khuếch đại. Đây là lý do vì sao mặt trước (bảng cộng hưởng) càng lớn thì âm thanh sẽ càng lớn.

Chất liệu gỗ mặt trước ảnh hưởng rất lớn đến đặc tính âm thanh của đàn. Có nhiều loại gỗ khác nhau được sử dụng để làm đàn như Spruce, Mahogany, Koa, Cedar,… Và các loại gỗ này có thể là gỗ nguyên miếng hoặc gỗ xếp nhiều lớp. Gỗ nguyên miếng sẽ cho âm thanh phong phú hơn, âm lượng lớn và cộng hưởng cũng tốt hơn. Tuy vậy, gỗ xếp lớp được đánh giá là có độ bền tốt hơn với thay đổi thời tiết, mức giá cũng rẻ hơn, vì vậy khá phù hợp với người mới bắt đầu.

Chiều dài và chiều rộng cần đàn

Độ dày và chiều rộng của cần đàn guitar có sự khác biệt, tùy thuộc vào kích thước của thân đàn. Thông thường, điều này sẽ không ảnh hưởng đến âm thanh của cây đàn guitar, nhưng nó sẽ ảnh hưởng đến sự thoải mái của bạn khi chơi đàn. Nếu bạn là người có bàn tay nhỏ, hãy tìm đến những cây đàn guitar có cần đàn với đường kính nhỏ để dễ dàng hơn khi bấm các hợp âm và các nốt trên đàn. 

Cổ đàn guitar thường có 12 hoặc 14 phím. Với đàn guitar 12 phím, các phím số 13, 14 sẽ nằm trên thân đàn và việc tiếp cận các phím này sẽ khó hơn so với đàn guitar có cần 14 phím.

Dây nylon và dây kim loại

Một quan điểm sai lầm là những người mới chơi guitar nên bắt đầu với những cây đàn dây nylon bởi chúng êm tay và dễ chơi hơn. Nhưng thực tế, những cây đàn sử dụng dây kim loại sẽ khó có thể chơi hay nếu thay bằng dây nylon và ngược lại bởi những thiết kế đặc trưng riêng biệt của 2 loại đàn này. Do vậy, bạn cần xác định loại nhạc cụ cũng như dòng nhạc mà bạn muốn chơi.

Dây nylon sẽ tạo ra giai điệu âm thanh nhẹ nhàng và êm dịu hơn. Chúng thường được sử dụng bởi những người chơi guitar theo phong cách cổ điển, flamenco, cũng như một số nhạc dân gian. Những dòng đàn guitar classic sử dụng dây nylon sẽ có cổ rộng hơn tạo khoảng cách lớn hơn giữa các dây đàn, đồng thời cần đàn ngắn hơn so với đàn guitar acoustic sử dụng dây thép.

Đàn guitar dây kim loại phổ biến hơn dây nylon, thường được sử dụng trong các dòng nhạc như rock, country và pop. Những cây đàn này thường mang tới âm thanh lớn và sáng hơn.

Chất liệu gỗ

Đàn guitar được làm từ nhiều chất liệu gỗ khác nhau, và các loại gỗ này đều sở hữu những đặc tính âm thanh riêng. Bạn nên xác định âm thanh mà bạn mong muốn, từ đó lựa chọn ra những cây đàn với chất liệu gỗ phù hợp nhất. Dưới đây là một số loại gỗ phổ biến nhất để làm đàn guitar cùng đặc tính của chúng:

Spruce (gỗ vân sam) là một tiêu chuẩn mặt trước của đàn guitar acoustic. Loại gỗ này nhẹ nhưng rắn chắc, cung cấp khả năng cộng hưởng tốt với âm thanh rõ ràng. Có nhiều loại gỗ Spruce khác nhau được sử dụng để làm đàn gutiar như Sitka, Engelmann, Adirondack và European spruce. Các loại gỗ này đều có những đặc điểm riêng biệt về âm sắc và màu sắc.

Cedar (gỗ tuyết tùng) là loại gỗ mềm, tạo ra âm sắc sáng. Loại gỗ này phản ứng tốt với các kỹ thuật chơi nhẹ phù hợp với đàn guitar classic và guitar flamenco. Thông thường loại gỗ này được sử dụng để làm mặt trước, nhưng cũng được sử dụng cho mặt sau và bên hông.

Ebony là loại gỗ rắn chắc với cảm giác bóng mượt, khiến nó trở thành vật liệu tuyệt vời để làm cần đàn. 

Koa là một loại gỗ ở quần đảo Hawaii với màu vàng đặc trưng, với âm trung tuyệt vời. Loại gỗ này được sử dụng cho tất cả các bộ phận trên thùng đàn guitar acoustic, nhưng thường được tìm thấy trên những cây đàn đắt tiền hơn do sự khan hiếm của nó.

Mahogany (gỗ gụ) là một loại gỗ dày đặc nên cho tốc độ phản hồi chậm hơn. Loại gỗ này có thể được sử dụng để làm mặt trước với âm thanh mạnh mẽ, nhấn mạnh các âm cao và thường được kết hợp với nhạc country hay blues. Mahogany thường được sử dụng cho mặt sau và bên hông để tăng tính linh hoạt, thêm tông âm trung và giảm độ bùng nổ trong một số trường hợp. Nó cũng thường xuyên được sử dụng ở cần đàn và cầu ngựa đàn.

Maple là loại gỗ thường được sử dụng cho mặt sau và bên hông, bởi tỷ lệ phản hồi thấp và sự tự tắt dần của nó không thêm ảnh hưởng đến âm sắc tự nhiên của gỗ ở mặt trên. Nó tạo ra âm thanh khô, dải âm cao tốt. Độ cộng hưởng thấp của loại gỗ này làm cho nó tuyệt vời hơn khi biểu diễn, đặc biệt là biểu diễn cùng một ban nhạc. 

Ovangkol là một loại gỗ châu Phi với những đặc tính tương tự như gỗ Rosewood. Nó thường được sử dụng để làm mặt sau và bên hông, bởi âm sắc ấm của nó tập trung vào dải âm trung và tạo ra âm thanh tròn trịa. Giai điệu của Ovangkol hòa quyện sự ấm áp của gỗ Rosewood với dải trung lấp lánh của gỗ Mahogany hoặc Koa.

Rosewood là một trong những loại gỗ truyền thống và phổ biến nhất được sử dụng để làm đàn guitar acoustic, gỗ hồng mộc đã được đánh giá cao nhờ những âm bội phức tạp, phong phú, vẫn khác biệt ngay cả trong những đoạn nặng âm bass. Đó là các giai điệu mạnh mẽ và âm thanh trong trẻo và rõ ràng. Gỗ Rosewood cũng là một lựa chọn phổ biến để làm phím đàn và cầu ngựa đàn

Sapele là một loại gỗ có nguồn gốc từ châu Phi, có độ bền cao, được sử dụng cho các mặt sau bên hông tăng khả năng cộng hưởng. Loại gỗ này cũng có nhiều đặc điểm về âm sắc tương tự với gỗ Mahogany, và nó có nhiều âm treble(âm cao) hơn một chút

Walnut là một loại gỗ thay thế cho gỗ Mahogany, tập trung vào dải âm trung và hỗ trợ tăng cường cho âm sắc của loại gỗ ở mặt top. Loại gỗ này có mật độ và độ cứng tương tự như koa, và cũng tương tự ở âm sắc cao. Âm thấp của nó bắt đầu sâu hơn, nhưng được nổi lên sau khi chơi.

Sở thích cá nhân

Cuối cùng, sau khi cân nhắc về các yếu tố trên, bạn cũng đừng đánh giá thấp sở thích của chính bạn. Hãy chọn một cây đàn mà bạn cảm thấy thoải mái nhất, cho dù bạn chơi khi đang ngồi hay đứng. Hãy chắc chắn rằng cây đàn guitar mà bạn chọn phù hợp với phong cách chơi của bạn đồng thời âm thanh mà nó phát ra khiến bạn cảm thấy hài lòng. 

Bên cạnh đó, bạn cũng cần xem xét đến các yếu tố về ngoài hình như màu sắc, các họa tiết trang trí,… Bởi một cây đàn khiến bạn cảm thấy thích thú chắc chắn sẽ giúp việc học chơi hay biểu diễn của bạn trở nên thú vị hơn nhiều.

Trên đây là chia sẻ về một số những điều cần quan tâm khi mua đàn guitar. Hi vọng sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc lựa chọn cây đàn phù hợp nhất với mình. Bạn cũng có thể tham khảo các mẫu đàn guitar nhập khẩu tại: https://vietthuonghanoi.com/dan-guitar

Call Now Button