Trò chơi âm nhạc có thể giúp các thiên thần nhỏ vui vẻ, hỗ trợ hoàn hảo cho việc phát triển nhân cách của bé sau này lớn lên.
-
Sáng tạo giai điệu cho riêng mình
Đây là ý tưởng thường được sử dụng trong các lớp học nhạc. Trò chơi này khuyến khích trẻ cảm thấy thích thú với âm nhạc hơn. Bạn cần chuẩn bị:
1 tờ giấy
Bút màu
Cách chơi
Người lớn hãy cùng trẻ tạo ra các biểu tượng đại diện cho những âm thanh có ý nghĩa. Ví dụ, ngôi sao có nghĩa là “vỗ tay”, vòng tròn có nghĩa là “giậm chân”, hình tam giác có nghĩa là “vỗ bàn”…
Sau đó, cho bé sử dụng các biểu tượng này để tự tạo nên một giai điệu của riêng mình.
Sau khi trẻ sáng tác xong, bạn hãy cùng trẻ làm theo những ghi chú ở trên.
-
Vẽ tranh với nhạc
Trò chơi này không chỉ giúp trẻ thích thú với âm nhạc mà còn giúp trẻ phát triển khả năng vẽ. Bạn nên tổ chức trò chơi này theo nhóm. Dụng cụ gồm có:
Máy nghe nhạc hoặc máy tính
Giấy
Bút màu và bút chì
Cách chơi
Phát cho mỗi trẻ một tờ giấy và bút chì màu.
Phổ biến luật chơi cho con: Khi nghe nhạc sẽ bắt đầu vẽ còn lúc nhạc tắt thì ngưng vẽ. Sau đó, di chuyển tờ giấy đến một bé khác và lặp lại quá trình y như trên. Lặp đi lặp lại việc này cho đến khi bạn muốn dừng lại.
Cuối cùng, đưa bức tranh trở lại bàn của trẻ và xem sản phẩm.
-
Trò chơi “có/không”
Đây là một trò chơi thường dùng để khởi động khi học nhạc. Bạn chỉ cần 1 không gian vừa đủ là có thể để bé chơi đùa rồi.
Cách chơi
Bạn hoặc giáo viên sẽ là người dẫn dắt. Bạn sẽ hát một đoạn nhạc ngắn để bé lặp lại đến khi thuộc lòng. Sau đó, thay thế lời của đoạn nhạc bằng từ “có/không” và trẻ sẽ phải nói ngược lại gì bạn nói.
Ví dụ, nếu bạn sửa lời là “không, không, không, có, không, có, không, không” thì trẻ sẽ phải hát là “Có, có, có, không, có, không, có, có”.
Bạn có thể chỉ sử dụng 1 từ hoặc trộn lẫn 2 từ để tăng độ khó và làm trò chơi trở nên vui nhộn hơn.
-
Tìm đồ vật bằng âm nhạc
Đây là một trò chơi rất hữu ích trong việc giúp trẻ cải thiện kỹ năng nghe. Bạn cần có:
Đồ chơi có phát ra tiếng nhạc
Không gian để giấu đồ chơi
Cách chơi
Mục tiêu của trò chơi là để trẻ tìm đồ chơi bằng cách nghe tiếng nhạc phát ra.
Giấu đồ chơi ở một chỗ nào đó rồi bật nhạc và để trẻ tìm.
Tăng độ khó sau mỗi lần chơi. Bé chơi trò này càng nhiều thì kỹ năng nghe và xác định vị trí sẽ càng được cải thiện.
-
Trò chơi chuyền tay
Những trò chuyền tay thường rất phổ biến trong các hoạt động dã ngoại và thường được chơi theo nhóm. Để chơi, bạn cần có:
Một phần quà
Giấy gói
Chocolate hoặc đồ chơi
Cách chơi
Gói món quà càng nhiều lớp càng tốt. Giữa mỗi lớp gói, hãy đặt một chiếc kẹo chocolate hoặc một món đồ chơi nho nhỏ.
Cho cả nhóm ngồi thành vòng tròn. Khi nhạc bắt đầu phát, phần quà sẽ được chuyền tay nhau. Khi nhạc tắt, món quà chuyền đến tay đứa trẻ nào thì đứa trẻ đó sẽ có quyền bóc một lớp giấy gói quà để nhận quà. Sau đó, trẻ sẽ ra khỏi vòng tròn và những đứa trẻ khác tiếp tục.
Trò chơi kết thúc khi tất cả các lớp gói đã được tháo hết hoặc cho đến khi chỉ còn lại 1 người.
-
Chiếc ghế âm nhạc
Đây là biến thể của một trò chơi thường được tổ chức khi dã ngoại và thường chơi theo nhóm. Trò chơi cần có:
Ghế (số lượng tùy thuộc vào số người chơi)
Không gian
Máy phát nhạc
Cách chơi
Đầu tiên, bạn hãy chọn một hoạt động mà bạn muốn trẻ làm như đọc sách, kể chuyện…
Xếp ghế theo kiểu vòng tròn và bật nhạc. Lúc này, trẻ sẽ đứng và đi bộ quanh những chiếc ghế. Khi nhạc tắt, trẻ phải nhanh chóng chạy đến chiếc ghế gần nhất và ngồi xuống. Đứa trẻ nào còn đứng khi mọi người đã ngồi thì phải làm hoạt động bạn đưa ra như đọc một đoạn văn từ 1 cuốn sách hoặc giải 1 bài toán…
-
Đó là âm thanh gì?
Âm thanh của đàn guitar thường như thế nào? Nó có khác với âm thanh của đàn violin không? Nếu muốn trẻ học các xác định và phân biệt âm thanh của các loại nhạc cụ, hãy thử trò chơi này. Bạn cần chuẩn bị:
Máy nghe nhạc
Các file âm thanh của các loại nhạc cụ khác nhau
Cách chơi
Đầu tiên, hãy phát âm thanh của từng loại nhạc cụ để bé làm quen. Sau đó, chọn một âm thanh bất kỳ và yêu cầu trẻ đoán xem âm thanh đó phát ra từ loại nhạc cụ nào. Sau mỗi lần chơi, bố mẹ có thể tăng độ khó bằng cách phát ra những âm thanh hơi khó phân biệt.
-
Câu đố âm nhạc
Nếu đang tìm kiếm một hoạt động vui nhộn cho lớp học nhạc, bạn có thể thử trò chơi này. Hãy đặt cho trẻ một vài câu liên quan đến nốt nhạc, giai điệu hoặc đơn giản hơn, về ca sĩ hoặc ban nhạc mà trẻ thích. Bạn chỉ cần:
Bộ câu hỏi
Quà
Cách chơi
Trò chơi này có thể chơi cá nhân hoặc đồng đội. Nếu có nhiều trẻ, bạn hãy chia thành từng nhóm và để trẻ tự đặt tên cho nhóm của mình. Nếu không, bạn có thể sử dụng tên của những nhà soạn nhạc nổi tiếng. Đưa câu hỏi và để mỗi nhóm giơ tay giành quyền trả lời. Nhóm nào trả lời đúng nhiều hơn sẽ thắng và nhận được phần thưởng.
-
Quay micrô
Cũng giống như quay chai nước, quay mic là trò chơi của sự ngẫu nhiên. Người lớn có thể sử dụng để chơi trò nói thật, trò thi hát… Vật dụng cần có:
1 chiếc micrô không dây
Danh sách những hoạt động mà bạn muốn trẻ làm như hát một bài, múa…
Cách chơi
Cho các bé ngồi thành vòng tròn và đặt micrô vào giữa
Chỉ định ngẫu nhiên một bé để quay micrô
Khi ngừng quay, micrô chỉ vào bé nào thì trẻ đó phải đứng lên để thực hiện hoạt động đã đề ra trước đó.
-
Antakshari
Đây là một trò chơi rất nổi tiếng ở Ấn Độ và Trung Đông và thường được chơi theo nhóm. Bạn cần:
Không gian để chơi
1 micrô
Cách chơi
Đặt ra các quy tắc rõ ràng trước khi chơi để tránh tranh cãi.
Để bắt đầu trò chơi, người dẫn dắt sẽ chọn ngẫu nhiên 1 chữ cái. Nhóm đầu tiên sẽ phải hát 1 ca khúc bắt đầu bằng chữ cái đó. Sau khi ca khúc dừng lại, nhóm tiếp theo phải hát 1 bài bắt đầu bằng chữ cái đầu tiên của từ kết thúc. Cứ lần lượt như vậy, đội nào không hát được sẽ mất điểm. Đội có số điểm cao nhất sẽ thắng.
Bạn có thể tạo ra các biến thể để làm trò chơi trở nên thú vị hơn chẳng hạn chỉ hát những bài thuộc một thể loại nào đó hoặc chỉ hát những bài của 1 ban nhạc nào đó.
Với 10 trò chơi âm nhạc dễ kiếm vật liệu, dễ tổ chức chơi tại nhà với trẻ có thể mang đến những giây phút gắn kết hạnh phúc cho cả gia đình. Đồng thời mang lại lợi ích thực tế cho cuộc sống và học tập của trẻ sau này.