Âm nhạc đã chữa lành năm 2020 lên tinh thần đón năm 2021 tiếp tục bão giông

Năm 2020 một năm thật lạ lùng, dịch bệnh, thiên tai, tình người, ý thức xã hội… Những thứ tưởng chừng chỉ có trong tiểu thuyết được lật mở trần trụi ngoài đời thực. Và dù trong bất cứ hoàn cảnh nào âm nhạc cũng không thể thiếu, cuối năm những dự án âm nhạc mới lại được setup như để ăn mừng 1 năm đầy bão giông sắp kết  thúc, khẳng định lại 1 năm mới đầy mạnh mẽ để đón đỡ những bão giông đi sau. 

Nhiều dự án không hẹn nhưng cùng gặp

Ca sĩ Amee ra mắt dự án “Dreamee acoustic show”, thể hiện các ca khúc cũ và mới theo phong cách acoustic mộc mạc. Cách hát khá trong trẻo của Amee kết hợp cùng khung cảnh phố núi Đà Lạt từ khi bình minh ló dạng, lúc chiều tà rồi tới tận đêm khuya đã mang lại cảm giác dễ chịu cho người xem.

Nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường tiết lộ với Tuổi Trẻ anh cũng sẽ hợp tác với ca sĩ Nguyên Hà ra mắt một album mang phong cách âm nhạc chữa lành trong năm 2021. Giọng ca Xin lỗi bấy lâu nay vẫn được khán giả yêu mến qua những ca khúc có giai điệu êm ái, du dương và mang lại cảm giác yên bình.

Do vậy, việc một nhạc sĩ “mát tay” như Nguyễn Minh Cường kết hợp với Nguyên Hà trong dự án âm nhạc theo phong cách chữa lành, mang lại sự yên bình của xúc cảm thông qua âm nhạc đã khiến nhiều khán giả thích thú.

Đi về nhà của Đen Vâu, JustaTee là MV của năm tại giải Cống hiến 2020 cũng là một sản phẩm âm nhạc có tính chữa lành rõ rệt.

Nếu lời rap của Đen Vâu là tiếng lòng đồng điệu của nhiều người vẫn đang vất vả mưu sinh nơi thị thành, thì phần hát của JustaTee như lời ủi an, động viên mỗi người trở về bên gia đình khi những ngày tết gần kề.

Lê Cát Trọng Lý cũng vừa thông báo tổ chức concert Chúng ta đang thở kìa. Âm nhạc của cô vẫn thường mang nhiều thông điệp, như một điểm tựa giúp thính giả có những phút giây trong ngần nơi tâm hồn.

Các ca khúc của cô như Nghèo, Đừng mua nhà nhiều hơn mình cần… sáng tác vài năm trở lại đây mang tinh thần của lối sống tối giản và tìm đến hạnh phúc từ bên trong.

Âm nhạc giúp thay đổi tâm trạng chúng ta

Nhạc sĩ, ca sĩ Miên Đức Thắng – người có nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu về tính chữa lành của âm nhạc – chia sẻ: “Con người cũng là một loại nhạc cụ, chúng ta phát ra tiếng nói, năng lượng và người nghe sẽ thu nhận được.

Trong não mỗi người có khoảng 60-100 tỉ tế bào thần kinh, chúng phát sóng và có những loại sóng như beta (tỉnh táo, tập trung) đến alpha (thong thả, nhẹ nhàng) hay là gamma (loại sóng não có tần số cao nhất, làm chúng ta cảm thấy vui vẻ)…

Khả năng chữa lành của âm nhạc thực chất đến từ tính vật lý rung của sóng não với các tần số khác nhau. Mỗi tần sóng như vậy sẽ mang đến một loại cảm xúc khác nhau. Còn những người nghe giống như cái radio bắt được tần số vậy.

Và âm nhạc có thể thay đổi phần nào tâm trạng của chúng ta. Âm nhạc giúp giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi và đau nhức, thậm chí cải thiện được các tình trạng của hệ tiêu hóa. Những bài hát có tính chữa lành giúp chúng ta giảm bớt căng thẳng, âu lo để cảm nhận an lành, hạnh phúc và vui vẻ hơn”.

“Đại dịch ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cả khán giả và nghệ sĩ. Lúc này mọi người có thiên hướng chọn cách ở nhà nghe nhạc thay vì ra đường, hướng vào trong, tìm về thiên nhiên hơn là chốn đô thị, chọn cảm xúc lắng đọng thay vì sự nhộn nhịp tiết tấu” – TDK, nhà sản xuất của nhiều ca khúc hot trong năm 2020, nói với Tuổi Trẻ.

“Âm nhạc thế giới cũng đang chuyển mình theo xu hướng này. Từ giữa năm 2020, ở Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc và cả Việt Nam, nhiều show âm nhạc có tính chất chữa lành phát online hoặc hạn chế số người xem xuất hiện ngày càng nhiều hơn.

Khán giả cảm thấy được an ủi khi còn có âm nhạc làm chất an thần và kết nối với nhau, song song đó nghệ sĩ cũng có cơ hội được biểu diễn để lan tỏa tình yêu. Đâu đó trong tâm hồn chúng ta vẫn còn những tổn thương, vì vậy thứ âm nhạc dễ nghe dễ chịu sẽ vẫn là phương thuốc hữu hiệu lâu dài” – nhà sản xuất TDK chia sẻ.

Theo Tuoi Tre

Call Now Button